Học Khương xuất thân từ Nguyễn Hữu thị. Bà là con gái của Cơ mật viện đại thần Nguyễn Hữu Độ, gia thế hiểm hách lại tinh thông Hán văn lẫn Pháp văn. Bà là đích mẫu của vua Khải Định, và là bà nội trên danh nghĩa của vua Bảo Đại. Bà mất năm 1935 hưởng thọ 66 tuổi và được an táng ở Tư Minh Lăng này, gần với chồng bà ở Tư Lăng.
Tư Minh Lăng là lăng có sự kết hợp giữa kiến trúc Đông và Tây. Lăng không sử dụng vôi vữa như các lăng đầu thời Nguyễn mà được sử dụng xi măng trong quá trình tạo tác. Điều này đã làm cho Tư Minh Lăng mang một vẻ đẹp rất riêng biệt mang đậm khí chất hoàng gia.
Từ ngoài bước vào trong lăng sẽ thấy ngoài hai trụ biểu sừng sững trước lăng còn có hai cây sứ cổ, to lớn đứng trước lăng tạo cảm giác cổ kính, huyền ảo như muốn nhắc rằng người trong lăng rất quan trọng, phải cẩn trọng tôn nghiêm khi đi qua hay ghé vào.
Bước tiếp lên bậc thang sẽ đến với sân bái đình 3 cấp tượng trưng cho thiên, địa và nhân. Trên sân đươc lát gạch với lan can cùng những bồn hoa hai bên sân. Nếu để ý kĩ sẽ thấy lan can được làm nổi bật tạo điểm nhấn bằng những hồi văn mây kết hợp với hoa lá.
Toại đạo là một bộ phận đặc biệt trong các lăng tẩm. Thật ngạc nhiên khi toại đạo của Tư Minh Lăng lại không được dấu đi như lăng Xương Thọ hay lăng Hiếu Đông mà lại để lộ 1 phần mái vòng phía trên ngay dưới Bửu thành môn. Đây chính là đường hầm mà năm xưa được dùng để đưa quan tài vào. Bửu thành môn là cửa dẫn vào Bửu thành, nơi đặt phần mộ của bà. Trên vòm Bửu thành môn được tranh trí hình ảnh hai con dơi đeo nút thắt cát tường cùng chầu chữ thọ mang hàm ý phúc – thọ – cát tường. Hai bên là hình ảnh cây mai và cây lan tượng trưng cho hai mùa xuân và hạ. Cổng được trang trí với nhiều hình ảnh cây trái mang nhiều hàm ý khác nhau.
Qua Bửu thành môn ta sẽ thấy tấm bình phong của lăng. Mặt trước bình phong được đắp chữ Thánh, xung quanh là mây cuộn, cùng với đó là họa tiết Vạn tự hồi văn. Hai bên bình phong là 2 hình ảnh “ Hoa Cúc cài chữ Thọ cùng họa tiết bông mai” và “Cây Lan cài Vạn tự Hồi văn cùng họa tiết hoa chanh”
Mặt sau của bình phong được đắp hình ảnh “Song phụng vọng nguyệt” cùng hoa văn mây cuộn cùng với hai bên là hình ảnh “Mai Điểu” và “ Chim Trĩ cùng Mẫu Đơn”. Ánh trăng xuất hiện trong bức bình phong cùng đôi chim phụng càng làm tăng giá trị thẩm mỹ cao. Ánh trăng thường đẹp nhất vào buổi đêm, đó cũng là thời gian con người nghỉ ngơi. Do đó, ánh trăng được coi là như sự bình yên, yên tĩnh mà không thời gian nào trong ngày có được. Hình ảnh đôi chim cùng thưởng nguyện ánh trăng sẽ đem lại sự bình yên cho mỗi người, tất cả như ngầm ám chỉ rằng nơi này chính là nơi giấc ngủ bình yên vĩnh hằng của Phụ Thiên Thuần Hoàng Hậu.
Một điều khá thú vị nếu tìm hiểu kĩ hơn, sâu xa hơn về hàm ý nơi đây: nếu rồng tượng trưng cho tính “Dương” thì phượng hoàng tượng trưng cho tính “Âm”, cùng với đó mặt trăng cũng mang tính âm. Vậy nên khi hai con phượng cùng chầu về mặt trăng ở giữa nếu nhìn theo góc độ kinh dịch sẽ là ba tính âm với nhau tạo ra cung Khôn, tượng trưng cho người mẹ, sự sinh sôi. Ngoài ra Khôn cũng là mùa Hạ, đây có lẽ là sự lí giải cho việc trong lăng xuất hiện khá nhiều hình ảnh hoa sen và hoa lan vốn là loài hoa mùa hè. Bước tiếp tục vào bên trong ta sẽ thấy Thạch ốc, nơi đặt mộ phần của Đức Thánh Cung. Trước Thạch ốc có một bệ đá được dùng để đặt bình hoa cùng bát hương để dùng trong việc thờ cúng. Trên bệ đá nếu để ý kĩ sẽ thấy có hình ảnh “Ổ phượng”, một biểu tượng của người phụ nữ hoàng gia. Thạch ốc được trang trí bằng hình tượng chim phượng đặc biệt là hình ảnh “lưỡng phụng chầu lưỡng nghi”. Ngoài ra phượng hoàng còn tượng trưng cho bậc mẫu nghi thiên hạ theo quan niệm xưa, hình ảnh phượng hoàng đầu ngẩng cao vươn mình bay lên thể hiện sự quy quyền của chủ nhân ngôi lăng này.
Trên nóc của Thạch Ốc là hình ảnh đôi chim phượng cùng hướng về mặt trăng hay còn gọi là “ Song phụng triều nguyệt” như đã giải thích.Tại đầu hồi trên nóc Thạch Ốc chính là hình ảnh cái lọai trái cây gồm: mãng cầu, phật thủ, đào và lựu. Trong đó quả phật thủ tượng trưng cho “Phúc”, quả đào tượng trưng cho “Thọ”, quả lựu tương trưng cho gia sản dồi dào nhà đông con cháu. Vậy có thể hiều nôm na là “ Cầu phúc lộc thọ”.Ở xung quang Thạch Ốc có thể thấy một điểm khác biệt rất rõ so với các lăng đầu thời Nguyễn đó là có hiện thống lan can bao bọc ở 4 góc. Trên lan can có hình ảnh quả đào hàm ý chúc Thọ.
Sau Thạch Ốc chính là một bức bình phong hậu. Trên bình phong có đắp chữ Phúc cùng hoa văn mây cuộn xung quanh cùng hình ảnh con dơi ( Phúc) ở bốn góc, ngoài ra ở bên ngoài rìa bình phong còn có hình ảnh mãng cầu cùng cây sung ngụ ý “ Cầu cho sự sung túc”.
Tất cả những câu chúc phúc, mong muốn đều được sắp xếp một cách tỉ mĩ, đầy hàm ý bằng những hình tượng trong lăng. Tất cả những hình tượng, họa tiết mang những hàm ý ấy có thể còn nhiều ý nghĩa hơn những gì mà chúng tôi có thể truyền đạt đựơc. Điều đó đủ để chúng ta thấy được vẻ đẹp của lăng tẩm hoàng gia không chỉ là vẻ đẹp tầm thường mà nó còn mang ẩn ý khác nhau tạo nên một nét đẹp riêng mà không công trình nào có thể trùng lặp được