Đi sâu vào trong chừng chục bước là một nhà Tứ thông dùng để cúng tế với bàn thờ chạm khắc nghiêm trang, kính trọng. Trên mỗi cột của nhà tứ thông có các bài thơ được thiết kế theo kiểu bức hoành, tất cả 8 bức được chia đều cho 4 cột trụ, viết bằng chữ Hán. Mỗi bức hoành như vậy bố trí theo lối nhất thi nhất họa (một bài thơ đi kèm với một bức họa), đây là cách bố trí quen thuộc trong các kiến trúc đền đài và lăng tẩm tại Huế.
Phía sau nhà tứ thông là nhà Vọng từ (miếu thờ vọng, cũng gọi là nhà Hội đồng), ba gian, 2 tầng. Phần trước chỉ có 1 tầng đặt hương án, phía sau hai tầng, tầng dưới cao 5m, phía sâu sau cánh cổng đặt tượng truyền thần của ngài Võ Văn Kiêm được đúc khi ông còn tại thế và thờ bốn người vợ.
Bên trong chánh điện là bàn hương án cao chừng hơn 1m, đây là nơi vị Võ tướng dùng để thờ các anh em của mình.
Bên tay phải là một bàn thờ màu đỏ đồng thấp và nhỏ hơn dành để thờ hai con trai của ông, bên kia tay trái thì ông dùng để thờ vong linh các cháu nội sa sút.
Hai bên trường được đắp nổi bằng vôi vữa hình bộ “bát bửu” là những loại vũ khí biểu tượng cho sức mạnh thường được bài trí tại miếu thờ gồm có: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác.
Xuất thân là một vị quan võ nhưng về sau ông đổ cử nhân quan văn nên ông được xem là một vị quan văn võ song toàn. Đến khi cuối đời ông vẫn muốn con cháu đời sau biết về ông là một vị quan văn, điều đó được thể hiện ở tượng truyền thần của ông đang đội nón cánh chuồn đặt ở bên trong hương án, cũng chính là nơi để thờ ông và bài vị của bốn bà vợ.
Pho tượng truyền thần được một vị nghệ nhân làng Phường Đúc làm nên theo tỷ lệ 1/1. Nguyên vật liệu chính gồm vôi quết với giấy bồi tạo độ rắn, lá cẩn, chuối non, lá môn tạo độ nhờn.
Đặc biệt là lấy máu đầu 10 ngón tay của ông nhỏ vào trầm kỳ hảo hạng rồi bọc vôi lại, bỏ vào trong bụng của tượng. Khi chùi tượng thì có hương thơm tỏa ra thoang thoảng minh chứng cho sự linh ứng của bức tượng.
Tầng trên cao 4m, thờ bài vị của cha và ba mẹ cùng các anh em của cha mẹ.