Vốn được biết đến là một trong những thủ phủ của tâm linh, nếp sống người Huế từ bấy lâu vẫn luôn phảng phất hương thơm xưa cũ đầy huyền ảo của một đời sống tín ngưỡng tinh thần đầy phong phú, từ sinh hoạt thường nhật cho đến lễ nghi cúng cấp đều có một sự liên kết lạ kỳ với thế giới tâm linh. 

Người Huế cúng nhiều, bởi thế cúng cấp đã trở thành một phần không thể thiếu của Huế hay đúng hơn là với người Huế. Một lễ cúng chỉnh chu không chỉ dừng lại ở lễ nghi mà còn là sự chu đáo trong vật phẩm cúng tế từ mâm cao cỗ đầy cho đến tặng vật cho người đã k.hu.ất  – đồ mã. Nó không những mở ra một nét văn hóa truyền thống mà là cánh cửa nối kết tâm linh giữa con người và thế giới bên kia…

Xét về đồ mã, ta sẽ phải lật mở ra một quy mô rộng và bao quát hơn –  tức là đồ thế.

Đồ thế là những vật phẩm ( động vật/ đồ vật,..) có giá trị thấp hơn dùng để thay thế cho những vật phẩm có giá trị cao ( con người, động vật,..) trong các nghi lễ Hiến tế. Hoặc sử dụng những đồ thật được vẽ/ in trên các mặt tương đối phẳng ( tường, giấy, phiến đá,..) thì lúc này tranh được được vẽ/ in đó được gọi là tranh đồ thế.

Đồ mã hay vàng mã chính là một phạm vi nhỏ hơn của đồ thế, là đồ thế được tạo hình bằng giấy ( quần áo mã, tiền vàng, tranh thế/ đồ mã…) hoặc được tạo hình từ cốt tre và giấy cùng với 1 số chất liệu khác. Ở Huế, người ta gọi đồ mã là đồ nổi, tranh đồ thế gọi là đồ giấy. Gọi là đổi nổi có thể là vì khi thả xuống nước vì kết cấu nhẹ nên nổi trên mặt nước. Tranh đồ thế gọi là đồ giấy là vì tranh đồ thế được in, to, vẽ trên giấy.

Trong các ghi chép của các nhà viết sử Việt, thông tin về nghề làm đồ mã, nghề làm giấy rất hạn chế. Tuy nhiên, trong bảo tàng lịch sử quốc gia lại có một số đầu hình nhân nam nữ, bằng gốm phủ men vàng xanh thời Lý ( TK 11-13) điều này củng cố việc đồ mã du nhập vào đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt từ rất sớm và có mỗi liên kết nhất định với tín ngưỡng trong sử dụng đồ mã và hóa vàng của Trung Quốc. Trong giai đoạn triều Nguyễn, không thể không kể đến đồ mã với quy mô thể thức lớn đồ mã tại tang lễ vua Khải Định. Có thể so sánh được với các mô hình DIY bấy giờ về chi tiết và hình thức.

Nhắc đến đồ mã, người ta sẽ nghĩ ngay đến kinh đô Hàng Mã – Hà Nội hoặc đường Hải Thượng Lãn Ông ở Sài thành nhưng tại vùng đất nức tiếng tâm linh – Huế cũng có những làng nghề đồ mã đặc trưng riêng như Làng Hoa giấy Thanh Tiên, làng tre Trúc Lâm, làng Sình, Địa Linh… hay con phố Chi Lăng lặng lẽ với hình ảnh những chuyến xe giao đồ mã đi khắp khu vực thành phố, tạo nên một nét đẹp rực rỡ sắc màu cho thành phố di sản.

Đồ mã/ vàng mã ở Huế, dựa theo nhu cầu sử dụng mà sẽ chia ra làm 2 loại là đồ lễ và đồ kị:

  • Đồ lễ: Là loại vàng mã được dùng cho các buổi cúng dâng thần, thánh, các vị cai quản nhân giới, thiên giới…. 
  • Đồ kị : là loại vàng mã dùng để cúng dâng tổ tiên, ông bà trong gia đình.

Ngoài ra, dựa vào hình thức cũng chia đồ mã thành các chủng loại khác nhau. 

+Tranh đồ mã/ tranh đồ thế: là những hình ảnh người, động vật hay những vật chất khác dưới hình thức bản in trên chất liệu giấy. Người Huế vẫn hay gọi là con ảnh.

+Giấy, tiền vàng bạc và áo binh

+Hình nhân/ nộm

+Vàng mã đồ kị/lễ

+…. khác

Đặc thù chung ở vàng mã là kĩ năng tạo hình và điều phối màu sắc. Mỗi màu sắc hay họa tiết đục đẽo trên vàng mã đều giữ một ý nghĩa riêng. Nhất là trong đồ lễ, đồ kị, ngoài những vật phẩm đi kèm biểu tượng cho đối tượng nhận hóa vàng như dù, khăn đóng, hia dành cho phái nam; nón, hài, hộp nữ trang cho phía nữ thì mỗi sắc màu biểu trưng còn biểu trưng cho một tước vị, một đối tượng nhất định

Quy trình làm đồ mã cũng yêu cầu người thợ có tay nghề khéo léo và độ thẩm mỹ cao vì nguyên vật liệu chủ yếu là tre nứa vót mảnh, giấy bồi, giấy gió mỏng dễ rách, dễ nhàu nát, ấy là lí do người ta vẫn hay ví von rằng “dởm như đồ mã” ý chỉ những thứ đẹp đẽ nhưng kém bền.

Ngày nay, theo lệ “trần sao âm vậy” đồ mã đã lên một cấp bậc khác, không chỉ là những sản phẩm truyền thống mà xe máy, ô tô, điện thoại,… những vật dụng hiện đại cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Dù cho có thế, đồ mã xưa vẫn luôn được lòng khách hàng bởi đã hóa vàng thì không chia độ tuổi, hàng mã vẫn luôn biến hóa để hài lòng khách hàng và những ngôi nhà treo đầy “áo giấy” vẫn là một góc nhỏ bình lặng đầy truyền thống giữa lòng Cố Đô.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *