Theo truyền thuyết, Long mã là một hóa thân của kỳ lân, một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Người Trung Hoa coi kỳ lân là linh vật báo hiệu điềm lành; là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc vô song. Long Mã là con vật linh thiêng gắn liền với truyền thuyết cổ xưa của nền văn minh Hoa Hạ với câu chuyện “Long mã phụ hà đồ”.

Chuyện kể rằng vào thời Phục Hy vị vua đầu tiên của thời Tam Hoàng cổ xưa Trung Quốc, khi vị vua này có được thiên hạ thì đã có huyền thoại về con Long Mã đầu rồng, mình ngựa xuất hiện trên sông Hoàng Hà và trên lưng có một đồ hình gồm 10 đường nét, và từ những đường nét đó, Phục Hy đã suy diễn ra tiên bát quái sau này. Long Mã là hóa thân của Kỳ lân, là một linh vật thủ đắc tất cả những phẩm chất tốt đẹp. Long Mã với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa, được mô tả là có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa, trên lưng còn cưỡi bức cổ đồ.

Người ta thường hiểu rằng: Rồng bay cao, ẩn hiện qua những tầng mây, biểu trưng cho sự mạnh mẽ, quyền lực và khí chất cao thượng, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian (nghĩa là tung). Ngựa là loài vật có khả năng di chuyển nhanh nhẹn trên mặt đất theo đường ngang, biểu tượng của sự tài lộc, thành công, sự trung thành, nghĩa khí, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian (nghĩa là hoành).

Long Mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân . Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh Long Mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc, thái bình và thịnh vượng. Tại Huế, Long Mã xuất hiện nhiều nhất trên các bức bình phong, hai bên cổng tam quan của những cung điện, đền đài, đình, miếu…Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình Long Mã. Theo thời gian, có những bức bình phong Long mã dần bị bong tróc các mảnh sành sứ, tuy nhiên dáng vẻ hiên ngang, sừng sững của chúng vẫn còn được in nổi đầy giá trị.

Trong số các bức bình phong Long mã tại đất thần kinh, bức bình phong Long mã tại Trường Quốc học Huế, xây dựng dưới thời vua Thành Thái năm 1896 được xem là bức bình phong nổi tiếng nhất tại Huế với tư cách là linh vật trấn giữ, bảo vệ cho sự thịnh vượng trường tồn của ngôi trường. Long mã trước trường Quốc Học được đắp nổi trên nền sơn vàng, khung đỏ với hình ảnh đầu rồng, mình ngựa có màu xanh của sành sứ.

Chồng sách trên lưng tượng trưng cho Đồ Thư, Long Mã chở nền luân lý cương thường. Và hình ảnh đó, khi đặt làm án thư trước cổng trường Quốc Học, nơi sinh thời đã có những con người kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… theo học với lịch sử hơn 110 năm vừa mang cốt cách của một đất nước văn hóa luôn nhận định “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, vừa mang tầm vóc thời đại với tinh thần tự cường, không bao giờ chịu đồng hóa ngay trong những điều tưởng như không đáng kể.

Long mã cũng đã được chọn để trở thành biểu tượng trên logo Fesstival Huế. Long Mã trên bình phong Quốc Học là nguyên mẫu của hình ảnh Long Mã trên logo của Fesstival. Nếu như coi Festival là nét đặc trưng của thành phố Huế thì hình tượng Long mã là linh vật đặc trưng, tiêu biểu cho mảnh đất cố đô này. Du khách mỗi lần đến Huế đều rất dễ dàng bắt gặp hình tượng Long mã: trên những bóng đèn dẫn vào Đại Nội và trên những bức vẽ chìm nổi ở các bình phong lớn nhỏ… tất cả tạo nên diện mạo “chẳng nơi nào có được” và luôn ẩn chứa nhiều điều cần khám phá.

Trong tư thế đang tung vó cưỡi mây nhưng vẫn ngoái đầu trở lại, Long mã mang thần thái của sự nhẹ nhàng, linh thiêng nhưng vẫn rất gần gũi với những câu thơ:
“Trước gió phất phơ Long hóa Mã
Trên mây lấp loáng Mã thành Long
Đồ thơ chở nặng nền luân lý
Cảnh vật phô bày cuộc biến thông”.

Nếu có dịp du khách đến Huế, khi dạo bước trong Hoàng thành, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, hay rong ruổi trên đường làng, ngõ xóm nơi thôn dã, đều có thể dễ dàng bắt gặp và chiêm ngưỡng Long mã, bởi nó đã trở thành một mô thức không thể thiếu trong kiến trúc, trang trí Huế. Linh vật này, hẳn sẽ đem đến cho chúng ta không ít những suy ngẫm về lòng trung thành và sự tận tụy, cũng như khát vọng vượt qua trở lực để vươn tới đích chân – thiện- mỹ.

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *