Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Ánh, là người mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn. Sinh thời trong giai đoạn đối đầu với Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh cũng đã bao phen khốn khó cùng cực. Sau bao gian truân thập tử nhất sinh, đến năm 1802, Nguyễn Ánh đã có trong tay giang sơn và lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long. Cái tên Gia Long được nhiều người lý giải rằng ghép từ Gia của Gia Định và Long của Thăng Long, thể hiện một ước vọng thống nhất đất nước từ Bắc chí Nam.

Với một quan niệm Nho giáo đầy mạnh mẽ, vua Gia Long luôn mang tư tưởng “sống gửi thác về”, tức là cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ, cuộc sống ở thế giới bên kia mới chính là vĩnh cửu. Vì vậy, ngay trong thời gian trị vì, vua Gia Long đã ra điều động cho xây nơi yên nghỉ của mình.

Như bao vị vua khác, việc lựa chọn nơi an nghỉ ngàn thu cho mình là một việc quan trọng, cần sự kĩ lưỡng. Vua Gia Long sau khi lên ngôi đã gấp rút tìm kiếm và cho xây dựng sơn lăng của mình ở thượng nguồn của sông Hương.

Nhìn từ kinh thành Huế, tất cả lăng tẩm của các vị hoàng đế triều Nguyễn đều nằm về hướng tây, đây chính là “Thái dương tây hạ” tức là ám chỉ việc băng hà của hoàng đế, Thiên Thọ lăng cũng vậy. Theo như Đại Nam nhất thống chí ” Trước lăng rộng 150 trượng, bên trái, phải và phía sau đều rộng 100 trượng, thành bảo vệ bốn mặt đều dài hơn 40 trượng” có thể thấy quy mô của lăng rộng lớn thế nào.

Cũng vì quá quan tâm đến công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa hoàng đế Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà ông đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Ông không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn gần nơi xây dựng lăng.

Lăng được xây thành 3 trục chính gồm: bi đình, lăng và tẩm điện. 3 công trình này được xây trên 3 quả đồi nhỏ với các tên gọi: Chính Trung (ở giữa), Thanh sơn (bên trái) và Bạch sơn (bên phải).

Phần tẩm điện thì nằm trên Bạch sơn và được xây tường thành bao quanh. Từ ngoài vô trước tiên sẽ là Nghi Môn, sau đó là tả hữu Tòng tự, rồi đến điện Minh Thành, nơi thờ tự của Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Bên trong điện Minh Thành còn chứa chiều kỷ vật của vua Gia Long thuở còn sinh thời như cân đai, mũ,… Hiện trước nguy cơ chống chịu lâu dài, điện đã được thực hiện trùng tu.
Ngày trước vua Minh Mạng cho thờ tại đây cái mũ trụ, chiếc áo giáp, bộ yên cương, dải ngọc cùng khẩu súng, thanh gươm mà vua Gia Long đã dùng để xông pha chiến trận. Thời gian và khí ẩm đã là hư hỏng tất cả những kỷ vật ấy nên từ lâu đã không còn nữa.
Bi đình được xây dựng trên Thanh sơn, với kiểu dáng là một phương đình với hai tầng mái, bên trong là bia thánh đức thần công do vua Minh Mạng viết cho cha mình để nêu cao công lao của ông.
Không có mô tả ảnh.
Tấm bia thánh đức thần công trong bi đình là tấm bia nhỏ nhất trong các tẩm lăng chính của triều Nguyễn. Nội dung trước nói lên nỗi lòng tưởng nhớ tiên đế, sau kể đến việc khai sáng của vua cha, cuối cùng là một bài minh ca tụng những công đức đó với những lời lẽ đầy thiết tha.
Phần lăng của Thiên Thọ lăng được đặt trên đồi Chính Trung, có La thành là những đồi núi nhấp nhô bao quanh cả một vùng rộng, Bửu thành bao bọc lấy hai nhà đá của hoàng đế và hoàng hậu được xây theo kiểu “Càn Khôn hiệp đức”.
Trước lăng là sân bái đình rộng 49m, lát gạch Bát Tràng. Hai bên là tượng hai voi, hai ngựa cùng mười quan văn võ được tạc hoàn toàn bằng đá. Những tượng này được vua Minh Mạng gửi bản vẽ đến Thanh Hóa và Quảng Nam, hai vùng có loại đá tốt và có tay nghề cao. Đến hai năm sau thì mới hoàn thành và cho đặt trước lăng.
Những tấm bia khắc họa được vẻ chân thực các hình tượng đời thật của các quan hay voi ngựa. Qua thời gian, có nhiều tượng đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẻ uy nghi của những bậc thần chầu trước lăng vẫn luôn hiện hữu.
Bước qua phần sân bái đình là cánh cửa bằng đồng để tiến vào lăng, nơi đặt huyền cung của vua cũng như hoàng hậu.
Tấm bình phong tiền trước lăng, bình phong được xây lớn, cao quá đầu người. Qua khỏi bình phong là cánh cửa bước vào huyền cung.
Huyền cung là hai thạch thất hình chữ nhật, trên có hai mái xuôi trong như hai ngôi nhà nhỏ. Thời gian đã làm cho “hai ngôi nhà” dần sạm đen. Lăng vua và hoàng hậu Thừa Thiên được táng theo lối “càn khôn hiệp đức”, nam tả nữ hữu. Theo đó, từ phía trong nhìn ra, vua sẽ ở bên trái và hoàng hậu sẽ ở bên phải.
Bằng một cách nhìn đơn giản khác, nếu để ý kỹ hơn ta sẽ thấy phần thạch thất của nhà vua sẽ xây cao hơn hoàng hậu một chút, thể hiện vẻ oai phong của bậc đế vương.
Không có mô tả ảnh.
Người người đến với Thiên Thọ lăng không chỉ ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ bề thế của khu lăng tẩm này mà còn ngưỡng mộ với tình cảm của Thế Tổ đối với Thừa Thiên hoàng hậu. Người đã bên ông sau bao nhiều năm bôn ba, ngay cả khi ông đã mất tất cả để rồi đây khi nằm xuống ông cũng muốn bên cạnh bà. Đây là điều mà không một lăng của vị hoàng đế triều Nguyễn nào có được.
Tích xưa kể rằng: Trước khi lên đường sang Xiêm, Thế tổ dùng kiếm chặt đôi 1 thỏi vàng rồi giao một nửa thỏi cho Thừa thiên cao hoàng hậu để làm tín vật. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông hỏi bà về nửa thoi vàng năm xưa, bà đưa ra và Thế tổ mừng rỡ nói: “Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết.” rồi lấy nửa thoi còn lại ráp thành hoàn chỉnh rồi giao hết cho bà.
Đứng từ đây, ta như cảm nhận được vua Gia Long cũng như Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ngày qua ngày được ngắm nhìn sông núi, ngắm vẻ giang sơn. Vẻ uy nghiêm được hòa quyện cùng cảnh đẹp xung quanh, trông thật đỗi nên thơ.
Xa xa trước lăng là hai trụ biểu to lớn, đó như những ngọn nến dẫn lối nhà vua về thế giới bên kia. Cũng phải được to lớn bề thế để ai đó từ xa đến, có thể thấy được trụ biểu mà kính cẩn hạ mình.
Không có mô tả ảnh.
Toàn bộ quần thể lăng được bao bọc bởi 42 ngọn núi và đều được ban danh hiệu. Phía trước mặt là ngọn Đại Thiên Thọ là tiền án, sau lưng là 7 ngọn núi khác nhau làm hậu chẩm, trái phải có 14 ngọn núi đóng vai trò là tả thanh long hữu bạch hổ.
Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt mười ngàn năm”.
Thiên Thọ lăng là sự hùng vĩ bề thế đầy uy quyền của bậc quân vương nhưng cũng không thiếu vẻ đẹp trữ tình thơ mộng từ câu chuyện của Thừa Thiên Cao hoàng hậu cùng Thế Tổ Cao hoàng đế. Là lăng có vị trí xa nhất trong các lăng triều Nguyễn, nhưng Thiên Thọ Lăng là nơi có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi giao thoa giữa cảnh và vật. Việc đem thiên nhiên hòa quyện cùng kiến trúc đã làm nổi bật lên giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc ta.
Không có mô tả ảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *