Tương truyền, bánh in có nguồn gốc khởi thuỷ từ đất phủ chúa Kim Long. Từ xa xưa, người trong làng đã biết cách kết hợp khéo léo để tạo ra những chiếc bánh in thơm ngon dâng lên vua. Từ đó, người dân vẫn thường nôm na gọi đó là “bánh tiến vua”.

Về sau, bánh còn được sáng tạo bằng cách in hình chữ “Thọ” với ý nghĩa chúc nhà vua trường thọ, sống lâu nên bánh được gọi là bánh in. Tên gọi đó vẫn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay.

Với hương vị riêng của mình, bánh in còn được bày trên những mâm cỗ thờ cúng, đãi khách của người Huế vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

Nguyên liệu làm bánh in không quá phức tạp với hai nguyên liệu cơ bản là đậu xanh và đường. Để làm ra chiếc bánh in thơm ngon, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu chọn đậu – đãi đậu – hầm đậu – đánh đậu – trộn đường – in bánh – sấy bánh – gói bánh. Sau khi đãi sạch, đậu được đem hầm và đánh nhuyễn. Đậu phải sạch thì bánh mới không bị hăng và loang màu.

Công đoạn khó nhất là nấu đậu với đường để làm sao cho bánh ngọt đều, không đóng cục. Đặt hỗn hợp đậu – đường trên ngọn lửa liu riu và bắt đầu đánh đều tay.Công đoạn này được thực hiện liên tục cho đến khi đậu và đường mịn thì coi như hoàn thành. Phần bột tiếp tục được sàng cho đến khi mịn nhất có thể.

Kết thúc công đoạn đánh, đậu được phơi ráo một ngày cho khô rồi mới dùng khuôn in bánh. Khi đóng khuôn, người làm chỉ cho chừng nửa phần bột, nhồi nhân đậu xanh vào rồi mới đổ đầy tiếp.

Để có thể bảo quản được lâu mà vẫn giữ được độ giòn tan, bánh phải được sấy trên lò than chừng nửa ngày mới đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình sấy, phải chọn đúng độ lửa. Nếu sấy lửa quá nhỏ, bánh sẽ lâu chín và không được giòn. Ngược lại, nếu sấy vội trên lửa lớn, bánh sẽ cháy khét lớp ngoài mà không chín đều. Nhờ đó, bánh để lâu cũng không bị gió lùa làm ỉu.

Bánh in thường được gói trong giấy bóng ngũ sắc gồm năm màu chủ đạo: vàng, đỏ, hồng, xanh lục, trắng. Khi có ánh sáng chiếu vào, giấy bóng ánh lên những gam màu khá lung linh đẹp mắt. Không chỉ được đóng gói, bánh còn được kết thành tháp cao với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng phổ biến nhất vẫn là tháp bánh 5 tầng và 12 tầng.

Ngày nay, tuy bánh mứt Tết vô cùng đa dạng với nhiều chủng loại nhưng bánh in ẩn chứa nhiều ý nghĩa cao đẹp cộng thêm chất lượng, hình thức đẹp mắt, giá thành lại tương đối rẻ nên bánh luôn là sự lựa chọn quen thuộc và có chỗ đứng nhất định đối với người Huế.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *