Không có mô tả ảnh.

Thiện Khanh Võ Tướng Quân là người làng An Ninh, tên thật là Võ Văn Kiêm (1864-1939), thụy là Thiện Khanh, khởi đầu Ông học võ tại trường Anh Danh, làm quan thị vệ bảo vệ cho vua Hàm Nghi (1884-1885).
Sau đó ông lại theo học văn tại trường Quốc Tử Giám, đậu cử nhân và sau đó làm quan văn. Đến triều Khải Định (1916-1925), Ông được thăng đến hàm nhất phẩm. Đây là một người văn võ song toàn.

Mùa xuân, tháng Hai năm Giáp Tý (1924), ông được sắc phong Đặc tiến Tráng Võ tướng quân, Đô thống phủ đô thống chưởng phủ sự, trí sự quốc lão, về hưu dưỡng, “sáu triều trung nghĩa vuông tròn phân minh”. Vị trí của Ông là một trong năm vị tướng quân có chức vị lớn nhất của triều Nguyễn. Ông thân là người đứng ra coi sóc, giám sát quá trình xây dựng Ứng Lăng (Lăng của vua Khải Định).

Khu miếu mộ này chính tay Ông tự vẽ kiểu, tham khảo kiến trúc lăng các vua triều Nguyễn, đặc biệt là lăng vua Khải Định, khởi công xây khu vực miếu mộ, thân đứng ra coi sóc; thợ là các ông bát phẩm đội trưởng Hoàng Văn Thế, Võ Văn Vĩ, Hồ Văn Tuyên, đây là những người thợ bậc thầy có tay nghề tinh xảo đã thi công Lăng Khải Định. Lại xin tiến sĩ lãnh Quốc Tử Giám, Tham tri Nguyễn Văn Trình bài văn khắc bia bằng chữ Hán được khắc tại bình phong sau lưng cổng vào.

Không có mô tả ảnh.

Công trình được khởi công từ năm 1933 hoàn tất năm 1936, điều đặc biệt là từ năm khởi công, Ông làm từ từ từng giai đoạn một theo số tiền hưu bổng nhận được, đến năm 1936 thì hoàn thành. Năm 1939 là năm ông mất, thọ 75 tuổi.

Người dân tại đây hay gọi là miếu ông Tiền vì ông làm đến chức Tiền Quân đô thống phủ, đây là khu miếu mộ có một kiến trúc độc đáo bài trí giống lăng các vua triều Nguyễn. Nhưng vì là bề tôi nên họa tiết trang trí khiêm tốn, phù hợp với vị trí một vị quan nhất phẩm.

Không có mô tả ảnh.

Một điều lạ là toàn bộ khu miếu mộ không có một họa tiết nào được khảm sành sứ, vốn là một motif rất quen thuộc những năm đầu thế kỷ XX. Trải qua gần 100 năm, màu sơn ở ngoài chủ đạo là đỏ, vàng và xanh được giữ gần như nguyên vẹn trước thời tiết khắc nghiệt của Huế.

Đứng trước khu miếu mộ là cánh cổng lớn được chạm khắc cẩn thận; hai bên cổng là hai bức cuốn thư trải dài từ trái qua phải đầy mềm mại và uyển chuyển minh chứng cho đôi bàn tay tài hoa của những người thợ tạo tác nên khu miếu mộ. Ngay trên cổng ra vào của miếu mộ là bức hoành phi chữ Hán gồm năm chữ “Thiện Khanh Võ Tướng Quân”, hai bên là đôi chim công tượng trưng cho sự sung túc, phú quý và vinh hiển.

Nhìn xuống phía dưới thềm đất là bậc tam cấp tượng trưng cho tam tài “Thiên – Địa – Nhân”, hai bên bậc tam cấp là một cặp tượng đá “ngư hóa long” chứng tỏ được sự quyết tâm, sự kiên định, dũng cảm cùng trí tuệ biết cương nhu của một vị Võ tướng.

Phía sau cổng vào phía trên là 3 chữ Hán “Nhập tắc sự” (Có việc mới nên vào).

Không có mô tả ảnh.

Từ cánh cổng nhìn vào là bức bình phong lớn được bố trí theo lối ngũ sự (năm đồ tự khí) chắn tầm nhìn phía sâu bên trong, ý đồ là tránh khí xấu, cũng như tạo sự riêng tư cho khu vực thờ cúng bên trong khi nhìn từ ngoài vào. Ở giữa bức bình phong gắn tấm bia đá, phần mặt trước khắc bài minh chữ Hán do người bạn đồng môn của ông là Tham Tri Nguyễn Văn Trình viết nói lên công đức và cuộc của chủ nhân khu miếu mộ. Điều đặc biệt không dừng lại ở đó, đằng sau bức bia đá này được khắc bài “Vọng từ kỷ niệm” bằng thơ Nôm lục bát 96 câu do chính Thiện Khanh Võ Tướng quân viết.
Đây là bia đá được khắc cả chữ Hán và Nôm vô cùng độc đáo vô cùng hiếm gặp tại Huế và Việt Nam. Nội dung tiểu sử kể về cuộc đời ông, từ khi cha mẹ sinh ông ra và ăn học đến đỗ đạt ra làm quan.
Đi sâu vào trong chừng chục bước là một nhà Tứ thông dùng để cúng tế với bàn thờ chạm khắc nghiêm trang, kính trọng. Trên mỗi cột của nhà tứ thông có các bài thơ được thiết kế theo kiểu bức hoành, tất cả 8 bức được chia đều cho 4 cột trụ, viết bằng chữ Hán. Mỗi bức hoành như vậy bố trí theo lối nhất thi nhất họa (một bài thơ đi kèm với một bức họa), đây là cách bố trí quen thuộc trong các kiến trúc đền đài và lăng tẩm tại Huế.
Không có mô tả ảnh.
Phía sau nhà tứ thông là nhà Vọng từ (miếu thờ vọng, cũng gọi là nhà Hội đồng), ba gian, 2 tầng. Phần trước chỉ có 1 tầng đặt hương án, phía sau hai tầng, tầng dưới cao 5m, phía sâu sau cánh cổng đặt tượng truyền thần của ngài Võ Văn Kiêm được đúc khi ông còn tại thế và thờ bốn người vợ.
Bên trong chánh điện là bàn hương án cao chừng hơn 1m, đây là nơi vị Võ tướng dùng để thờ các anh em của mình.
Bên tay phải là một bàn thờ màu đỏ đồng thấp và nhỏ hơn dành để thờ hai con trai của ông, bên kia tay trái thì ông dùng để thờ vong linh các cháu nội sa sút.
Hai bên trường được đắp nổi bằng vôi vữa hình bộ “bát bửu” là những loại vũ khí biểu tượng cho sức mạnh thường được bài trí tại miếu thờ gồm có: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác.
Không có mô tả ảnh.
Xuất thân là một vị quan võ nhưng về sau ông đổ cử nhân quan văn nên ông được xem là một vị quan văn võ song toàn. Đến khi cuối đời ông vẫn muốn con cháu đời sau biết về ông là một vị quan văn, điều đó được thể hiện ở tượng truyền thần của ông đang đội nón cánh chuồn đặt ở bên trong hương án, cũng chính là nơi để thờ ông và bài vị của bốn bà vợ.
Pho tượng truyền thần được một vị nghệ nhân làng Phường Đúc làm nên theo tỷ lệ 1/1. Nguyên vật liệu chính gồm vôi quết với giấy bồi tạo độ rắn, lá cẩn, chuối non, lá môn tạo độ nhờn.
Không có mô tả ảnh.
Đặc biệt là lấy máu đầu 10 ngón tay của ông nhỏ vào trầm kỳ hảo hạng rồi bọc vôi lại, bỏ vào trong bụng của tượng. Khi chùi tượng thì có hương thơm tỏa ra thoang thoảng minh chứng cho sự linh ứng của bức tượng.
Tầng trên cao 4m, thờ bài vị của cha và ba mẹ cùng các anh em của cha mẹ.

Không có mô tả ảnh.

Phía sau cùng là mộ táng của Thiện Khanh Võ Tướng Quân. Nhìn lại toàn bộ công trình, ta thấy đâu cũng có đắp nổi thơ văn chữ Hán và câu đối, hoành phi. Đây là một hình thức miếu mộ độc đáo ở Huế, có hai tấm bia vuông vắn đều gắn vào bình phong và tượng truyền thần người quá cố (do chính ông Kiêm trông coi việc làm khuôn và đúc theo tỷ lệ 1/1). Bia chữ Hán ghi bài văn của Nguyễn Văn Trình, còn bia chữ Nôm ghi bài thơ của chính Võ Văn Kiêm.

Không có mô tả ảnh.
Phong cách kiến trúc Việt Nam xưa là vậy, kích thước mỗi công trình tuy không lớn, nhưng mỗi họa tiết, mỗi đường nét là sự tỉ mẫn, trau chuốt một cách đỉnh cao và là tuyệt tác theo thời gian để con cháu hiểu về giá trị cha ông để lại.
Chúng ta như hiểu thêm về những giá trị của Huế, một vùng đất linh thiêng và chứa đựng nhiều sự bất ngờ và bí ẩn không thể nào một sớm một chiều mà thấu hiểu hết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *