Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ, là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế. Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Người dân địa phương kể lại với Nguyễn Hoàng rằng, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự”.
Dưới các đời chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ Huế đã trải qua nhiều đợt tu sửa lớn, trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Ngoài ra, Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc một chiếc chuông lớn với cân nặng lên tới hơn hai tấn vào năm 1710 và trên chuông có khắc một bài minh.
Đến năm 1714, ông lại tiếp tục đại trùng tu hàng những công trình khác ở chùa như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh… Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu còn cử người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ kinh Phật với mục đích ca ngợi triết lý nhà Phật đặt tại lầu Tàng Kinh.
Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên“ phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này.
Chùa Thiên Mụ được xây trên ngọn đồi hình chữ nhật hướng Bắc – Nam. Bao bọc xung quanh bởi một vòng la thành xây bằng đá và gạch mang hình dáng như một con rùa.
Một biểu tưởng gắn với hình ảnh chùa Thiên Mụ chính là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
Theo lời kể, xưa kia tư tưởng lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” rất nặng nề. Thời điểm ấy, có một đôi trai gái yêu nhau mặn nồng, cô gái là tiểu thư, xinh đẹp và là con một vị quan giàu có, còn chàng trai lại mồ côi, nghèo đói. Vì vậy, gia đình cô đã ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, cả hai đã cùng nhau ra bến thuyền (phía trước chùa Thiên Mụ) để tự vẫn. Trớ trêu thay, chàng trai đã chết dưới dòng sông Hương, còn cô gái lại dạt vào bờ và được dân làng cứu sống. Sau đó, gia đình đã đưa cô về và ép lấy một người giàu có.
Thời gian trôi qua, nàng dần quên đi những kỉ niệm với chàng trai năm nào, còn chàng nằm dưới sông Hương, chờ người yêu mà không thấy nên uất hận cho số phận mình và “nhập” vào chùa Thiên Mụ, nguyền rằng, bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây thì tình yêu sẽ đổ vỡ và chia tay. Lời nguyền được người đời truyền tới ngày nay, khiến cho chùa Thiên Mụ Huế thêm linh thiêng và huyền bí.
Tuy nhiên, sư thầy đang tu hành tại chùa Thiên Mụ cho biết: “Chuyện người đời nói ở chùa mang lời nguyền tình duyên là không có. Thời xưa trong khuôn viên chùa cây cối rất nhiều. Các đôi tình nhân thường rủ nhau đến chùa, lợi dụng cây cối trong chùa xanh tốt nên đã làm những chuyện trái với luân thường đạo lý. Không thể chấp nhận được điều đó, người dân đã dựng lên câu chuyện về lời nguyền để giữ sự thanh tịnh cho ngôi chùa”.
Cùng quan điểm với sư thầy, nhà Huế học Phan Thuận An chia sẻ: “Những người yêu nhau lên đó làm những chuyện không hay trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh của chùa đã làm ảnh hưởng xấu tới cửa Phật. Nếu yêu nhau thật lòng, giữ tư cách trước cõi trang nghiêm tôi nghĩ không có vấn đề gì”.
Và dù cho lời nguyền xuất phát từ đâu với mục đích gì vẫn không thể phủ nhận rằng, chính sự bí ẩn này đã trở thành một trong những lý do thúc đẩy du khách viếng thăm, tìm hiểu về ngôi chùa Thiên Mụ linh thiêng nổi tiếng xứ Huế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *