“Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi!”
Mảnh đất Kim Long từ lâu đã nổi tiếng về vẻ đẹp và chất thơ của nó bao gồm các giá trị văn hóa lịch sử, phong tục cũng như con người nói riêng; góp phần vào cái vẻ đẹp mộng mơ của Huế nói chung.
Đến với Kim Long không chỉ đến với các làng nghề hơn trăm tuổi, ngắm nhìn những cô gái Huế thướt tha, vãn cảnh chùa Thiên Mụ, mà chúng ta còn đến để khám phá vẻ đẹp ẩn sâu dưới những tán vườn cây của vùng đất Phú Mộng – nơi có những nàng thơ nằm ẩn mình trong khu vườn hoa. Và Xuân Viên Tiểu Cung là một trong những nàng thơ đang khép mình, chờ có ngày được tìm hiểu và khám phá.
Đây vốn là tư phủ của vị quan Thượng thư Bộ Lễ ở triều đình Huế tên là Phạm Hữu Điển; ông quê ở Mỹ Lộc, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ngôi nhà được tạo dựng vào khoảng năm Thành Thái thứ 6 (1894), đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) thì làm xong từ đường.

Có thể nói, mỗi ngôi nhà vườn tuy đều tuân theo những quy tắc, chuẩn mực chung nhưng không qua đó mà thiếu đi tính sáng tạo, đặc trưng riêng. Mỗi ngôi nhà được xem như là nơi đại diện cho tính cách, sở thích của gia chủ. Cái tên Xuân Viên Tiểu Cung mang ngụ ý đây là ngôi nhà ngỏ giữa vườn xuân. Cho thấy được tâm hồn lãng mạn và tư chất thanh tao của vị Thượng thư Bộ Lễ. Từ ngoài đi vào chúng ta sẽ bắt gặp hai trụ cổng xinh xinh, bên trên có hai câu đối đã bị phai mờ và phủ rêu phong. Nội dung hai câu đối nói lên được phong cảnh và tính cách của chủ nhân, trọng đạo đức, yêu thiên nhiên.

Nhập thất hoán hiệp tương đức mỹ – Thường môn thảo mộc cộng tri xuân
Dịch ra có nghĩa là:
“Bước vào nhà cái lớn nhất là đạo đức và vẻ đẹp quyện vào nhau
Ở ngoài cửa thì màu xuân cỏ cây hoa lá cùng nhau làm nên cảnh sắc.”
Dịch ra có nghĩa là:
“Bước vào nhà cái lớn nhất là đạo đức và vẻ đẹp quyện vào nhau
Ở ngoài cửa thì màu xuân cỏ cây hoa lá cùng nhau làm nên cảnh sắc.”

Chính doanh là ngôi từ đường ba gian hai chái, nơi thờ gia chủ. Theo mô thức tiền Phật hậu linh. Bàn thờ Phật Thích Ca trước tiên, sau đó đến bàn thờ của Quan Công, và trong cùng là bàn thờ của Thượng Thư Phạm Hữu Điển. Hai bên tả hữu thờ những vị thân chủ khác là con cháu của ngài. Nhưng điều làm nên giá trị lớn cho ngôi nhà chính là ở đây, những câu đối, bức liễn, kỉ vật của ngài Phạm Hữu Điền vẫn còn hiện hữu ở đây. Ba bức hoành phi lớn treo trước gian thờ, ở giữa là bức Phi Anh Đằng Kỳ; hai bên là Viên Trạch và Gia Sơn;… tất cả đều ngụ ý khiêm tốn, thích gần gũi với cảnh trí thiên nhiên nơi núi non, vườn cây mát mẻ của chủ nhân.

Bên cạnh ngôi nhà chính làm từ đường, thì để tiện cho việc sinh hoạt, còn có ngôi nhà ngang được thiết kế cũng ba gian hai chái nằm bẻ góc thước chợ với ngôi nhà chính. Nối với nhau bằng một cái nhà cầu khép kín với khu bếp ở hậu liêu. Toàn thể tòa nhà được lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình trong một khu vườn có hoa, có trái. Trước nhà đặt một bức bình phong và bể cạn để điều hòa yếu tố phong thủy của ngôi nhà. Khuôn viên vườn rộng, có nhiều cây ăn trái lâu năm như măng cụt, mít,…

Cái tên Xuân Viên Tiểu Cung vừa ý nghĩa, vừa dễ thương; ngôi nhà vườn thì chuẩn mực, bài trí xinh xắn, khép mình vào trong khu vườn giống như một nàng thơ xứ Huế e thẹn, khép kín nhưng đầy nội tâm và sâu sắc đang chờ đợi chúng ta đến thăm đó nhé!