Người Huế xưa có một lối sống chuẩn mực và đặc biệt họ luôn coi trọng sự cân bằng giữa văn hóa, truyền thống với vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó, họ chọn cho mình một ngôi nhà hòa cùng thiên nhiên cũng mong muốn cho mình sự thành bình, tự tại và nhà vườn An Hiên là nơi thể hiện rõ điều đó, nơi rũ bỏ mọi bộn bề trước cánh cổng để đi vào một nơi an yên và tự tại.

 

An Hiên là ngôi nhà cổ có lịch sử hơn 130 năm, đứng trước ngôi nhà ta thấy được nét cổ kính được thể hiện qua cổng vòm và những nét chạm khắc tỉ mỉ đã bám rêu phong của thời gian. Tầng trên cổng vòm khắc nổi hai chữ hán “An Hiên” khảm sành sứ hai màu xanh và trắng. Bên dưới là hình tượng Phúc đáp – Dơi bay xuống, biểu tượng cho điềm lành, niềm hạnh phúc chào đón những vị khách khi bước chân vào nhà. 

 

Gia chủ đầu tiên của căn nhà vườn này là Công chúa thứ 18 của Hoàng đế Dục Đức năm 1883. Trong thời gian này, đây là dinh cơ của Công Chúa, lấy tên là An Hiên đệ (Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của Công chúa sau khi hạ giá, tức là Công chúa đã được gả chồng). Sau đó vì hoàn cảnh riêng của mỗi chủ nhân lẫn sự thay đổi bối cảnh của lịch sử, ngôi nhà đã đổi chủ nhiều lần, đều là hoàng thân, quan lại và giới thượng lưu ở Huế. Năm 1936, Ông Nguyễn Đình Chi, lúc bấy giờ là Tuần phủ Hà Tĩnh đã mua lại ngôi nhà này. Sau khi ông tạ thế vào năm 1940. Vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến, còn gọi là bà Tuần Chi, tiếp tục quản lý, chăm sóc và nâng cao giá trị khu nhà vườn này cho đến khi bà tạ thế vào năm 1997. Do đó, trong thời gian tồn tại, An Hiên gắn với tên tuổi của vị chủ nhân đặc biệt này. 

 

Từ ngoài cổng bước vào là hai hàng mơ và bạch mai được gia chủ mang về từ Chùa Hương Tích từ năm 1936 mang đến cảm giác bình yên mát mẻ cho những du khách bước vào. Đây cũng chính là lối nhỏ những nhiếp ảnh gia và bạn bè yêu Huế đến thăm và lưu lại những bức ảnh đẹp với ngôi nhà vườn nổi tiếng xứ Huế.

Cổng vào nhà vườn An Hiên

Chúng ta sẽ thấy bức bình phong lớn trổ chữ Thọ ở giữa, hai bên là chữ Song Hỉ. Bức bình phong hình cuốn thư với những đường nét mềm mại che chở cho ngôi nhà. Bảo vệ cho gia chủ những điều không mong muốn. Đây là bức bình phong hình lớn nằm uốn mình che chắn gian nhà trung tâm, đây là nét riêng có của nhà vườn An Hiên khi gia chủ đầu tiên xây dựng nó là một Công chúa.

 

Giữa khu vườn là ngôi nhà rường rộng 135m vuông được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà vườn Huế xưa 3 gian 2 chái truyền thống. Ngôi nhà rường thể hiện rõ nét nghệ thuật xây dựng truyền thống của người Huế dưới triều Nguyễn.

Để bước vào ngôi nhà, ta sẽ đi qua một hàng cây mơ thơ mộng

Bước tới ngôi nhà, chúng ta dần thêm thấu hiểu về hai chữ An Hiên mà gia chủ đã lựa chọn và gửi gắm vào đó bao nhiêu niềm mơ ước: “Một mái hiên trước một ngôi nhà là nơi nô đùa của lũ trẻ và cũng là nơi mà người lớn ngồi trong nhà nhìn ra trước hiên. Mái hiên an lành và bình yên là điều mong ước lớn nhất”.

 

Ngôi nhà ba gian hai chái được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Huế. Gian giữa là gian thờ, gian bên trái là nơi ở của gia chủ và gian phải dùng để tiếp khách. Gian giữa ngôi nhà là nơi quan trọng bậc nhất. Gian thờ với cách bài trí “tiền Phật hậu Linh”. Phía sau là gian thờ những thành viên đã quá cố của gia đình. Nhiều kỷ vật quý, sang trọng hiện còn được lưu giữ trong gian nhà này.

Ngôi nhà ba gian hai chái với gian giữa là nơi thờ phụng gia tiên

Sau này do nhu cầu tiếp khách, cũng như để dành ngôi nhà rường để làm nơi tham quan, bà Tuần Chi đã cho dựng một ngôi nhà khác mang kiến trúc kiểu Pháp nằm bên mé trái của ngôi nhà rường để làm nơi ở và sinh hoạt. 

 

Điều đặc biệt nữa của khu vườn chính bởi sự chăm sóc công phu, rất nhiều cây tại đây được mang về từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, cây trái 4 mùa khoe sắc

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *