Lăng Cơ Thánh là nơi an nghỉ của Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Luân, thân phụ của vua Gia Long. Khi còn sống, Nguyễn Phúc Luân được di chiếu sẽ lên ngôi chúa, cuộc đời của Nguyễn Phúc Luân lẽ ra phải hưng thịnh, anh minh. Tuy nhiên, lịch sử đã đẩy Nguyễn Phúc Luân sang một ngã rẽ khác đầy đau thương để dẫn đến một sự ra đi đầy bi đát. Nhưng danh xưng lăng Cơ Thánh lại ít được người đời nhắc đến bằng danh xưng lăng Sọ. Sự khác biệt này còn ẩn chứa trong đó một câu chuyện đầy nhân văn. Hôm nay, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về địa điểm này nhé! 

 

 Từ những khốn đốn về cuộc đời…

Nguyễn Phúc Luân sinh ngày 11/06/1733, ông là người con thứ hai của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và bà Trương Thị Dung. Từ nhỏ, ông đã thể hiện mình là người có tư chất, thông minh và được cha mẹ quý mến. Khi muốn đặt người kế vị ngôi chúa của mình, chúa Nguyễn Phúc Khoát xem xét tư chất của những người con. Trước sự ra đi của người con trưởng Nguyễn Phúc Chương và người con thứ Nguyễn Phúc Hạo, Nguyễn Phúc Luân được Võ vương xem là người hội tụ đủ các yếu tố để kế vị. 

Lăng Cơ Thánh – nơi yên nghỉ của Nguyễn Phúc Luân

Tháng 7/1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, để lại di chiếu cho Nguyễn Phúc Luân nối ngôi. Và nếu không có biến động gì, Nguyễn Phúc Luân hẳn sẽ là vị chúa Nguyễn tiếp theo. Tuy nhiên, Trương Phúc Loan, một tên quan thần chuyên quyền trong nội chính lúc bấy giờ lo lắng rằng, nếu một người quyết đoán, tinh nhuệ như Nguyễn Phúc Luân lên ngôi, uy quyền của hắn sẽ không được lộng hành như trước nữa. Trước sự tình đó, Trương Phúc Loan đã đồng minh cùng các tên quan lại khác thực hiện ý đồ sửa di chiếu nhằm không cho Nguyễn Phúc Luân nối ngôi. 

 

Mưu đồ được thực hiện trót lọt, di chiếu được bí mật thay đổi trao ngôi sang Nguyễn Phúc Thuần, một người con thứ của chúa Nguyễn Phúc Khoát khi đó chỉ mới 12 tuổi. Trước âm mưu hãm hại của Trương Phúc Loan, Nguyễn Phúc Luân đã rất ấm ức mà sinh bệnh. Sống trong sự uất ức dai dẳng, chỉ ba tháng sau sự ra đi của Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Luân cũng ra đi đầy chua xót.

 

 …đến câu chuyện Lăng Sọ đầy nhân văn

Tưởng chừng như cuộc đời của Nguyễn Phúc Luân chỉ khốn đốn đến vậy, nhưng ngay đến cả khi mất đi, nỗi đau vẫn còn tiếp diễn. Năm 1790, tướng dưới thời Tây Sơn là Nguyễn Văn Ngu đã ra lệnh quật mồ và điều cho lính ném xương cốt của Nguyễn Phúc Luân xuống khúc sông Hương phía đối diện lăng. 

 

Cho đến một ngày nọ, một ngư dân ở làng Cư Hóa tên là Nguyễn Ngọc Huyên, trong một lần kéo vó ở khu vực khúc sông ấy, đã phát hiện trong chiếc vó có một chiếc sọ người. Quá hoảng sợ, ông liền ném cái xương sọ đó đi xa. Lần thứ hai khi tiếp tục kéo vó, ông lại một lần nữa thấy chiếc sọ kia nằm trong vó. Lần này ông thực sự run rẩy, rồi ông ném chiếc sọ đi xa và khấn vái: “Nếu đây quả thực là di cốt của một ngài linh thiêng xin hãy trở lại trong vó của tôi.” Và đúng như vậy, lần kéo vó thứ ba này, chiếc sọ vẫn nằm uy nghi trong đó! 

 

Đến năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, một trong những công việc sốt sắng ông cần làm đó là truy tìm di cốt gia tiên. Khi nghe được tin ở làng Cư Hóa có chôn cất một chiếc sọ được cho là thân sinh của mình, Gia Long đã đích thân xem xét. Khi mồ được khai quật lên, Gia Long đã cắt máu ở tay mình nhỏ vào chiếc sọ, thì thật đặc biệt, người ta thấy sọ thấm hút hết những giọt máu đó. Điều đó đã làm Gia Long mừng rỡ và tuyệt đối tin tưởng rằng, đó chính là di cốt của cha mình.

Nơi đây vẫn được dân gian quen gọi với cái tên Lăng Sọ

Khi đã xác thực được di cốt của cha mình, Gia Long đã cho xây lăng tại chỗ huyệt mộ cũ và đặt tên là lăng Cơ Thánh. Và cũng chính vì lẽ đó mà nhân dân vẫn hay truyền tụng với nhau về cái tên lăng Sọ thay cho cái tên lăng Cơ Thánh. Và còn để đền ơn công lao, Gia Long đã cho đổi tên làng Cư Hóa thành Cư Chánh, biểu trưng cho một sự chánh nghĩa, nhân trung. Làng Cư Chánh từ đó được miễn thuế khóa trong một thời gian dài. Về phần ngư dân Nguyễn Ngọc Huyên có công tìm thấy di cốt, được thưởng hậu hĩnh và sau khi mất lại được nhà vua cho xây dựng miếu để nhân dân ngày ngày thờ tự. 

 

Đó được xem như những hành động đầy nhân văn của những con người có công thờ phụng người đã khuất và hành động đền ơn đáp nghĩa của một đế vương. Đến với lăng Sọ ngày nay, ta còn hòa mình trong một không gian đầy tôn kính, những nén hương còn khắc khoải hay cả những hàng thông reo đầy trầm mặc. Điều đó càng tô vẽ cho một cuộc đời đầy đượm buồn của Nguyễn Phúc Luân…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *