Huế không chỉ đẹp về cung điện lăng tẩm ở chốn đế đô, Huế còn đẹp trên những con đường quê ít người biết đến, nơi mà văn minh Việt Nam còn đọng mãi theo nghìn năm lịch sử. Khi mà những nếp sống, giá trị văn hóa của cha ông còn mãi đó. Và trên những con đường quê yên bình đó, chúng mình như bị thu hút bởi những công trình kiến trúc đã in đậm mãi theo thời gian, điều đặc biệt phía trước những đình làng, nhà thờ họ uy nghi mà chúng mình đi qua đều có một thể thức kiến trúc đặc biệt – “Bình Phong”. Vậy những bức bình phong này có tác dụng gì, có giá trị văn hóa lẫn ý nghĩa kiến trúc như thế nào?

 

Trong bài viết này, chúng mình chọn bình phong đình làng Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền như một hình mẫu bởi tính tượng trưng cho bình phong đình làng (đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, có tính rộng khắp tại Huế) và sự đa dạng về họa tiết. Bài viết giới thiệu tổng quan về bình phong Huế và sau đó là đi sâu vào từng họa tiết kiến trúc để nêu lên giá trị của thể thức kiến trúc phổ biến này tại Huế.

Bình phong đình làng Tây Thành

Theo Ts. Trần Đức Anh Sơn, người Huế dùng chữ bình phong hay tiền án để chỉ những thể thức án ngữ phía trước gia trạch hay mộ phần, nhằm để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng hơn, an toàn hơn. Về mặt văn hóa, bình phong chắn lối đi chính giữa, vô hình trung như tạo lối đi riêng cho người khách đi về bên trái và phải khi bước vào nhà, chậm rãi, từ tốn hơn.

 

Hình tượng chúng ta biết đến nhiều nhất có lẽ là hình vẽ phu văn lâu, nghinh lương đình và xa nhất là núi Ngự Bình trên tờ tiền polymer 50.000 đồng. Núi Ngự được xem như là bức bình phong tự nhiên cho vương triều nhà Nguyễn và Kinh thành Huế. Thông thường, tiền án che chắn cho kinh đô, cung điện, lăng tẩm… của vua chúa là những núi đồi uy nghi, hùng vĩ.

 

Còn tiền án che chở cho gia trạch hay mộ phần của thường dân thường chỉ là một bức tường bằng gạch, một phiến đá, một bờ cây chè Tàu hay cây bông cẩn trồng trước nhà, được cắt tỉa thành tấm bình phong xanh ngắt, án ngữ nơi cửa ngõ. Tất cả tạo nên một nền văn hóa bình phong ở cố đô Huế.

 

Đầu tiên là một bức bình phong bằng gạch đã hình chữ nhật thô cứng, nhưng người xưa đã vận dụng hình tượng rất mềm mại trong nho giáo là bức cuốn thư gập lại để tạo nên 3 phần theo bề ngang của bình phong, rồi tại mỗi đoạn gấp khúc đó, có hai hình ảnh rất quen thuộc là cây kiếm và bút lông, đề cao Văn và Võ trong hình tượng ngày xưa, rồi tùy theo mong muốn của gia chủ và khả năng thể hiện của những người thợ, những họa tiết kiến trúc được thể hiện với sự chăm chút, tỉ mỉ và tạo hiệu ứng hình ảnh độc đáo. Bức bình phong được khảm sành sứ kỳ công, để giữ được màu lâu nhất theo thời gian, sự độc đáo không bị khô cứng với những vật liệu xây dựng khô khan mà còn đạt được hiệu ứng ánh sáng khi ánh sáng chiếu vào từng góc độ như một lăng kính

 

Trên bức bình phong này, được thể hiện nổi bật và đậm nét là bốn con vật có uy lực siêu nhiên, “tứ linh” là: Rồng, Lân (Long Mã), chim Phượng và Qui (Rùa), vì việc thể hiện như thế được xem là sự đảm bảo cho một tác động ảnh hưởng: qua hình ảnh của chúng, tứ linh như truyền tải những đức tính chúng sở hữu hay biểu trưng cụ thể như sau:

 

Long mã là một dạng hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Kỳ lân là linh vật báo hiệu điềm lành; là biểu tượng của sự thông thái, sự cao quý và niềm hạnh phúc vô song. Theo truyền thuyết, long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời vua Phục Hy, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức Hà đồ, hay Mã đồ, là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái sau này. Trong nghệ thuật Huế, long mã chính là linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất. Trên các bức bình phong này, long mã được thể hiện theo điển tích “Long mã phụ Hà đồ”: lưng mang Hà đồ để dâng cho vua Phục Hy, chấn lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Hàm ý vận chuyển, mang đến niềm phúc lành cho gia chủ.

Hình tượng long mã trên bình phong

Long (rồng) là linh vật được sử dụng nhiều nhất trong nghệ thuật trang trí của người Việt. Chúng ta như thấy ở khắp nơi ảnh hưởng siêu nhiên của loài rồng: có thể là vua thủy tề (long vương), là chúa tể khai sơn phá thạch cho quả đất, có tác động ảnh hưởng đến phúc lành cho người sống và nơi yên nghỉ an bình cho người đã khuất. Hẳn nhiên vì mục đích kết hợp những ảnh hưởng tốt lành của hình ảnh của rồng đầy uy lực bảo trợ. Rồng còn là biểu tượng của hoàng đế. Trong trường hợp này chân rồng sẽ có năm móng. Ở tất cả các trường hợp khác, rồng chỉ thể hiện với bốn móng.

Hình tượng rồng trên bình phong

Chim Phượng: Hình ảnh toát ra sự chuyển động và vẻ duyên dáng, biểu hiện vẻ tự hào và quý phái. Chim Phượng ngậm ở mỏ, theo một dải lụa dài, khi thì là những ống quyển, khi là một hộp vuông cạnh hay một tấm bảng nhỏ. Chim phượng chỉ xuất hiện cho thời bình, và ẩn mình khi có manh nha loạn lạc: do đó chim phượng là biểu tượng cho sự thái bình.

Hình tượng chim phượng trên bình phong

Qui (Con rùa) là biểu tượng của sự trường thọ, vì lẽ sống đến cả ngàn năm hay hơn thế nữa. Mai rùa, ở phần trên tròn, phần dưới bè ra, tượng trưng cho trời và đất. Trong trường hợp này, rùa mang trên mình cổ đồ, “các ký hiệu cổ xưa” được thể hiện qua một chồng sách thắt lại với các dải lụa, tượng trưng cho con rùa siêu nhiên mà Hoàng – Đế và Ngô đã bắt gặp. Tượng trưng cho những điều tốt đẹp được rùa mang đến với một sự vừng bền, trường thọ dài lâu. 

Hình tượng con rùa trên bình phong

Hình ảnh cá là biểu tượng của sự sung túc, bạn hay thấy những bức tranh với một đứa bé mập mạp ôm một con cá lớn, và truyền thuyết giải thích: “Giàu có, hắn mua được con cá”, nghĩa là “Hắn có cái dư dả xa hoa khi trở nên giàu có”.Đôi khi, những bức bình phong khác lại thể hiện hình tượng chính là Cá chép hóa rồng: Cá biến hóa thành rồng lại tượng trưng cho kẻ sĩ, qua học hành đỗ đạt, trở thành quan viên nhà nước. Biến hóa thành rồng nếu vượt qua được thác Long – Môn, “Cánh cửa của rồng”. 

Ngư Ông: Đây là một hình tượng phổ biến trong Motif kiến trúc xưa: “Tứ dân” bao gồm Ngư – Tiều – Canh – Mục ý chỉ Ngư Phủ, Tiều Phu, Nông Phu, Mục Phu. Đây là bốn ngành nghề chính mà người xưa dùng để mưu sinh, sau này khi kinh tế và văn hóa chữ viết, khoa học tiến bộ bắt đầu khởi sắc thì đây trở thành những thú vui tao nhã hòa quyện với thiên nhiên. Bức họa cho ta cảm nhận được một nét thư thả, tận hưởng cuộc sống, vừa bình dị vừa thanh thản hòa mình cùng với thiên nhiên trời đất. 

 

Ông quan cưỡi ngựa, có lính hầu cầm lọng che đi theo, bên trên là tán cây Tùng: Cây Tùng tượng trưng cho sự “trường thọ”. Vị quan lớn tuổi giàu có, có lính theo hầu bên cạnh nghĩa là sự sung túc, con người đạt được thành tựu qua học vấn để rồi thành tài làm quan, tượng trưng cho chữ “lộc”. Hình tượng này nói lên ý nghĩa về sự sung túc vững bền và lâu dài. 

Hình tượng quan cưỡi ngựa trên bình phong
Hình tượng ngư ông trên bình phong

Qua hình tượng Bình phong này, rõ ràng hình tượng kiến trúc ban đầy là bức bình phong bằng gạch tuy khô khan, thô cứng nhưng đã được trau chuốt và gửi gắm vào đó là cả một triết lý, một lời nhắn nhủ nhân văn sâu sắc đến những thế hệ về sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *