Chùa Thủ Lễ, hay còn gọi là chùa Hưng Lễ, chùa Phật Lồi, là một ngôi cổ tự có từ lâu đời của làng Thủ Lễ. Từ những buổi đầu lập làng, ngôi chùa đã được cộng đồng dân cư xây dựng để thực hiện nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng.

Trong đó cái tên chùa Phật Lồi được tương truyền qua câu chuyện về tích sử “Phật Lồi” của ngôi chùa. Rằng ngày xưa ở ranh giới làng Thủ Lễ và làng Khuông Phò người ta thấy có một pho tượng Phật. Làng Khuông Phò thấy thế liền đến thỉnh tượng về để cầu tự. Nhưng đến lúc thỉnh thấy tượng nặng quá không thể khiêng được, ai nấy đều bó tay. Cùng lúc ấy, lại có đám trẻ chăn trâu của làng Thủ Lễ đến khênh tượng về, thì quả lạ thay, tượng nhẹ tênh, đám trẻ thỉnh tượng về dễ như bỡn. Khi đón tượng về ngang vị trí chùa hiện nay thì pho tượng trì xuống, người dân liền lập chùa thờ pho tượng và đặt tên là chùa Phật Lồi.
Ban đầu chùa được xây dựng bằng tranh tre nứa lá, bị thời tiết khắc nghiệt tác động rất nặng nề. Về sau chùa được trùng tu và xây dựng cơi nới thêm. Đến năm 1941, chùa được vua Bảo Đại ban tên thành chùa Hưng Lễ. Điều đó được chứng tỏ ngay trên bức hoành của chùa, được khắc ba chữ Hưng Lễ Tự. Đến chùa, khi bước qua khỏi cổng tam quan là lối dẫn đến sân chùa và chánh điện. Hai bên lối vào được trồng những hàng cây rợp bóng, nổi bật trong số đó là những cây sứ đang đến độ nảy hoa.
Phần chánh điện của chùa được phối theo kiểu ba gian hai chái với phần mái lợp ngói liệt và phần tường được xây gạch. Trên phần nóc được trang trí bởi những hình ảnh tứ linh, hoa lá cách điệu…Tất cả được ghép bằng sành sứ, vẽ bằng bột màu, nề vôi với màu sắc rất hài hòa. Hình tượng lưỡng long chầu nhật trên phần chính giữa mái chùa được khảm sành sứ một cách tinh xảo, làm cho song long hiện lên đầy nổi bật. Ở phía dưới hình tượng đôi rồng chầu nhật là cảnh bốn thầy trò Đường Tăng vượt bao hiểm nguy để lên đường thỉnh kinh. Cả bốn thầy trò đều được đắp nổi rất ấn tượng.
Nội thất phần chánh điện được thể hiện đầy ấn tượng. Trong đó phần chính diện cùng với bức hoành phi được sơn son thếp vàng mang dáng vóc rất uy nghi. Xen kẽ trước đó là những lá phướn với những màu sắc đặc trưng. Phần chánh điện được bài trí cân xứng giữa các tượng Phật. Xen giữa tượng Phật Đản Sanh và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là bức tượng Phật ngồi niết bàn trong trang phục chiếc áo tăng đầy nổi bật. Đây được cho là pho tượng Phật Lồi trong tích cũ thuở xưa. Nhưng trải qua thời gian, pho tượng đã được dân làng sơn quét, đắp thêm thạch cao nên có phần thân thuộc hơn.
Bên tả phần chánh điện là phần thờ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Bên hữu chánh điện là phần thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đặc biệt, chùa Thủ Lễ ngoài phần chánh điện thờ các đức Phật, ở phía bên phải chùa còn thờ tự Quan Công. Trong lịch sử, Quan Vũ (Quan Vân Trường) là một tướng tài ba dưới thời Tam Quốc. Ông được xem là hiện thân của các đức tính: trung, nghĩa, trí, tín, nhân, dũng. Với những sự giao thoa trong văn hóa, việc thờ Quan Công cũng đã xuất hiện trong tín ngưỡng sinh hoạt nước ta.
Ngày ngày, ngôi chùa vẫn được chăm sóc chu đáo bởi các tăng ni phật tử. Các dịp rằm hằng tháng, chùa vẫn được thờ phụng cúng bái rất tường tận. Để thấy bên cạnh những văn hóa làng như cúng tế Xuân tự và Thu thường hằng năm, những văn hóa tâm linh tín ngưỡng vẫn được dân làng Thủ Lễ duy trì theo thường nhật. Tựu trung một điều rằng, dù quy mô chùa Thủ Lễ không lớn nhưng lại ẩn chứa trong đó những giá trị về mặt tâm linh, kiến trúc và mỹ thuật rất độc đáo mà hiện nay ít còn ngôi chùa ở Huế còn có được. Nằm ở một vị trí u mịch bên làng Thủ Lễ, ngôi chùa mang một vẻ trầm lắng vốn có của một ngôi chùa, phù hợp cho một nơi để con người ta tịnh tâm khi ghé đến.
Ngày nay đến với chùa Thủ Lễ, ta còn thấy được sự giao thoa giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian của nhà rường và chùa Huế. Với những giá trị đầy độc đáo trong tín ngưỡng tâm linh, chùa Thủ Lễ còn là hiện thân của những truyền thống mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cố đô.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *