Nhắc đến Gối tựa bây giờ, có lẽ ai trong chúng ta cũng đang cùng chung một nỗi trăn trở rằng: “Không biết, nghề của mệ có còn ai tiếp nối hay không?” Mệ đi rồi, để lại cho chúng ta một khoảng trống rất lớn, không chỉ về mặt tinh thần, mặt biểu tượng; mà ở đó, mệ còn để lại một di sản về văn hóa cung đình – chiếc Gối trái dựa.
Nếu các bạn đã theo dõi hành trình giữ gìn nghề gối của mệ trong khoảng thời gian vừa rồi thì sẽ biết được, trong quá trình mệ làm gối, có những người con, người cháu ở bên hỗ trợ, phụ giúp cho mệ một phần nào đó công đoạn làm gối. Trong đó, có hai cô là cô Liền và cô Điểm là hai người ở bên, gần gũi với mệ nhất. Hôm nay, ngồi trước di ảnh và bàn thờ của mệ, cả hai cô cùng nhau ngồi làm gối; một người là con gái, một người là con dâu, hai chị em ngồi làm như thể mệ vẫn còn đang ở đó, dõi bước và quan sát hai người con, hai người học trò, hai truyền nhân của mình đang tiếp bước cho nghề gối này của mệ.
𝗖𝗼̂ Đ𝗶𝗲̂̉𝗺 là con gái của mệ, là chị cả trong nhà nên rất hiểu chuyện, hiểu cho mẹ và rất chú tâm quan sát mẹ mình từ khi còn nhỏ. Cho nên, thuở bé cô đã được tiếp cận và có phụ giúp việc may gối rồi. Chỉ có sau này, khi đi lấy chồng, vì việc nhà việc chồng con; cũng như gối tựa lúc đấy không còn ai biết đến để có đầu ra, nên thật là khó để cô có thể theo được nghề gối. Mãi cho đến những năm mệ 87 tuổi, bị tai nạn và phải lên nhà cô cho tiện dưỡng bệnh, mang luôn đồ may gối lên nhà cô để làm cho đỡ buồn chán. Từ đó, Gối lại có cơ duyên đến với cô. Sau này, vì tâm nguyện quá lớn và thương mệ, cô Điểm đã về hưu và chuyên tâm học làm may gối. Mong muốn hoàn thành, và báo đáp tâm nguyện của mẹ mình.
𝗖𝗼̂ 𝗟𝗶𝗲̂̀𝗻, cô là con dâu của mệ, những năm tháng xế chiều cuộc đời của mệ đều do bàn tay cô săn sóc, bầu bạn. Vì mệ tuổi cao nên cô chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ, ra đồng áng và ngồi phụ mệ làm gối, hai mệ con hàn huyên tâm sự suốt cả ngày là vậy. Nếu có gối để làm thì mệ và cô càng vui hơn. Nhưng cơ duyên lớn nhất dẫn đến cô được mệ chỉ dạy tất cả công đoạn làm gối khi những năm 2002, Nghệ nhân Trịnh Bách về tìm mệ, nhờ việc may phục dựng gối trong hoàng cung. Trong thời gian ngắn và số lượng gối phục dựng nhiều, mệ đã chỉ dạy cho cô Liền cách làm gối để phụ giúp. Từ đó trở đi, ngoài cô Điểm, mệ lại có thêm một người bạn, người con phụ giúp mình trong nghề gối này mỗi khi có nhiều người đặt.t gối. Giờ mệ đã đi rồi, cô vẫn giữ thói quen đã đi suốt bên mình bao năm qua; đó là nội trợ và làm gối. Hằng ngày cô vẫn miệt mài như thế, như là vẫn có mệ ở bên.
Những người phụ nữ thời cha ông chúng ta thì đều biết những điều như nữ công gia chánh và thêu thùa may vá. Mà đặc biệt lại là hai người ở gần mệ nhất, cho nên chắc hẳn, những đường may, những mũi chỉ đã thấm nhuần những gì tinh túy mà mệ chỉ dạy. Cả hai cô đều đã thông thạo việc làm Gối, và khát khao có thể quảng bá nghề đi xa hơn nữa, theo đúng tâm nguyện của mệ. Người may, người độn gối mà miệng vẫn trăn trở, giữ nghề thì giữ nghề rồi đó, chỉ mong là gối được nhiều người biết đến hơn, họ đưa vào đời sống và sử dụng nhiều hơn, để gia đình lấy nghề này làm nghề chính cho việc trang trải cuộc sống, và xa hơn là tiếp tục truyền dạy lại cho con cho cháu.
Thỉnh thoảng, hai cô ngó lên bàn thờ mà trò chuyện với mệ như lúc mệ còn sống thật, hai cô đùa rằng: “Người thì nhỏ mà chừ ở trên đó cao hơn cả cái đầu của con rồi,..” Đấy, cái tính hay nói đùa và vui tươi, lạc quan của cái nhà này không lẫn vào đâu được, từ mệ Huệ mà ra hết chứ có phải à. Nay mệ cũng có thể yên tâm và mỉm cười rồi mệ nhé, khi nghề gối tâm huyết của mệ đã có hai cô giữ gìn, nối bước đi theo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *