Nằm trên đồi Hàm Long, tức là đường Bảo Quốc phía tây đường Điện Biên Phủ, chùa Báo Quốc như say một giấc im lìm giữa bốn bể thanh bình rợp bóng cây.
Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am được Thiền sư Giác Phong khai sơn vào cuối thế kỉ XVII dưới đời chúa Nguyễn Phúc Tần, đến khi trở thành chùa thì lấy tên theo ngọn núi tọa lạc là Hàm Long Thiên Thọ Tự. Mãi đến 1947, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho mở rộng quy mô và ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Báo Quốc Tự” có ghi dòng chữ: “Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề”.
Vào thời Tây Sơn, chùa đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu, thuốc súng và xưởng rèn binh khí. Sau ngày dựng lại triều Nguyễn, vào năm 1807, Hoàng Hậu Hiếu Khương (mẹ vua Gia Long) cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh; đổi tên là chùa Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.
Đến năm 1825, vua Minh Mạng cho khôi phục lại tên chùa Báo Quốc, nhân dịp Tứ tuần đại khánh, vua ban lệnh triệu tập chư tăng cả nước về chùa Báo Quốc để sát hạch. Cũng vì lẽ đó năm 1948, An Nam Phật học hội lại mở Sơn môn Phật học đường tại chùa Báo Quốc để đào tạo tăng tài. Ngày nay, chùa trở thành nơi tu tập của chư tăng khắp chốn trên đường ngoan đạo dưới tên trường Trung cấp Phật học.
Xét về kiến trúc, chùa giữ nét kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa cổ với tổng thể kiến trúc phân bố hình chữ khẩu(口) tạo nên cảm giác yên bình, an tĩnh, tách biệt khỏi xô bồ trần thế để lòng người an yên từ những giây phút đầu tiên đặt chân vào chùa.
Phía sau cổng tam quan mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa Việt là khoảng sân rộng 8.000m2 với trụ biểu hai bên và đôi rồng dẫn đến chánh điện uy nghiêm.
Bờ nóc được trang trí bởi đôi lưỡng long chầu bánh xe luân hồi trên đầu rồng mặt nạ mang đậm lối kiến trúc của Phật giáo bắc tông. Lối đi dẫn lên chánh điện cũng được trang trí với đôi rồng chầu vừa mềm mại lại uy nghi.
Chánh điện được xây dựng gồm 5 gian, sau tiền đường là Đại Hùng bảo điện thờ Tam thế Phật, nhà hậu tổ thờ bình tro Tổ Giác Phong, đông liêu, tây liêu là nơi ở của tăng sĩ.
Hệ thống tháp ở chùa cũng rất phong phú với : tháp Tổ Giác Phong (1715), tháp sư Tâm Truyền (1908) và nhóm 5 tháp dời về trong dịp làm đường Nam Giao năm 1897.
Đặc biệt, chùa vẫn đang lưu giữ bức hoành cổ “Sắc tứ Bảo Quốc Tự” với lạc khoản “Từ Tế đạo nhân (Nguyễn Phúc Khoát) ngự đề – Cảnh Hưng bát niên (1747) ngũ nguyệt cát nhật” được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho và quả đại hồng chung do mẹ vua Gia Long cho đúc năm 1808.
Ngoài những giá trị lịch sử và tôn giáo, Báo Quốc Tự cũng có nhiều câu chuyện tâm linh thú vị xoay quanh giếng cổ Hàm Long đợi bạn ghé thăm và tìm hiểu. Phật Đản này nếu có dịp ghé Huế, hãy thử để tâm mình tĩnh lặng nơi đây và lắng nghe những câu chuyện chân thật nhất về ngôi cổ tự này bạn nhé.