Hoa gạo dường như đã trở thành một trong những hình ảnh thân thuộc mỗi độ tháng 3 về. Những cây gạo trút lá, đơm hoa đỏ rực như hàng nghìn đốm lửa lưng trời, tạo điểm nhấn ấn tượng bên cạnh cầu Dã Viên.

Tháng 3 về, những cành cây gạo khẳng khiu đã trút hết lá trong mùa đông lạnh giá, bừng lên những bông hoa đỏ như thắp lửa rực rỡ đất trời.
Được biết đến với nhiều tên gọi như mộc miên, pơ lang hay ban chi hoa nhưng hoa gạo vẫn là cái tên gần gũi, để lại trong tâm thức nhiều người những xúc cảm khó quên.

Hoa gạo đỏ còn gọi là hoa mộc miên, có năm cánh như hình ngôi sao, màu đỏ rực. Theo Đông y, toàn bộ cây gạo được sử dụng làm thuốc với tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Riêng hoa được sử dụng chữa nhiều bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng…

Cây được trồng ở đầu các con đường lớn, công viên, đình chùa để làm bóng mát rất tốt. Hầu như không cần chăm sóc rễ cây sẽ tự vươn đi khắp nơi tìm dinh dưỡng và nước về nuôi cây. Cây gạo là sự lựa chọn hàng đầu cho người thích cây cảnh và yêu sự hoài cổ.

Cứ vào tháng 3 âm lịch khi đợt rét cuối cùng của mùa đông đi qua, mùa hè sắp đến thời tiết sắp ấm lên là lúc cây gạo nở bung ra và rụng xuống. Trong những câu chuyện dân gian những cây đa, cây cổ thụ đều mang một vẻ huyền bí, dân gian có câu “thần cây đa, ma cây gạo” để nói về một đời sống tâm linh gắn liền với loài cây này.

Hoa gạo đỏ rực trong tiết trời tháng 3 trở thành một hình ảnh quen thuộc trong mắt người dân Huế khi đi ngang qua cầu Dã Viên giao nhau với đường Lê Duẩn.

Theo ghi chép lịch sử cây đã xuất hiện rất lâu ở nước ta, quả của nó được dùng thay sợi bông của cây bông, hoa của nó được dùng trong một số loại trà thuốc. Cây có thể cao tới 15 mét cành mọc ngang với những gai hình nón, lá kép chân vịt với 5 – 8 lá hình mác.

Người ta thường dùng hoa gạo trong các trường hợp viêm nhiễm như viêm dạ dày, mụn ngoài da. Vì thế hoa gạo không chỉ đẹp mà còn rất có ích trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Khi mà các cây cổ thụ dần biết mất nhường chỗ cho những căn biệt thự thì những bông hoa gạo trở thành tín hiệu nhận biết mùa tự nhiên mà nhiều người mong đợi.

Như những dòng mà nhà thơ Thái Giang đã viết:
“… Biết mấy những mùa hoa gạo đi qua
Biết mấy những con sóng mặt trời xô vào bờ bồi, lở
Một đời người bao nhiêu lần mong nhớ
Có phải hoa gạo cứ nôn nao thắp lửa đợi người về…”

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *